Bất cập dự án treo tại Hà Nội: Treo lâu quá, khó hạ!

Chủ nhật, 22/07/2018, 10:20 GMT+7
Bất cập dự án treo tại Hà Nội: Treo lâu quá, khó hạ!

Bất cập dự án treo tại Hà Nội: Treo lâu quá, khó hạ!

Mặc dù được đề xuất khá nhiều giải pháp xử lý dự án treo, tuy nhiên, có lẽ do các dự án treo quá cao nên rất khó để... hạ xuống!

Càng treo lâu càng tốn kém

Ngay từ quý I/2016, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư, xác định có 537 dự án treo, thậm chí có những dự án từ năm 1997. Tuy nhiên, cho đến nay, dù đã thực hiện rất nhiều phương án tháo gỡ vướng mắc còn tồn đọng, nhưng “treo” vẫn hoàn “treo”, chủ đầu tư tiếp tục kéo dài thời gian thi công. Với 537 dự án treo này, tức là tương đương với hàng nghìn tỉ đồng đang “đổ xuống sông, xuống biển”, thất thoát không chỉ với chính chủ đầu tư mà còn với ngân sách nhà nước.

Mọi quốc gia trên thế giới đều coi quy hoạch như một định hướng chiến lược, chỉ đường dẫn lối cho công tác quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, song ở Việt Nam, thực tế lại đang làm hao hụt, lãng phí ngân sách. Cụ thể, tình trạng dự án treo vẫn tồn tại khá nhiều, điển hình là tại TP. Hà Nội.

Tính đến thời điểm hiện nay, rất nhiều dự án trên địa bàn TP. Hà Nội đang trong tình trạng “đắp chiếu”, thậm chí còn được nằm ngay trên những mảnh đất vàng trung tâm. Một số dự án như Tháp Tài chính Quốc tế - IFT (quận Cầu Giấy) với 13.159m2, dự án 131 Thái Hà với 6.745m2 hay dự án Nam Đàn Plaza với gần 10.000m2 ... vẫn chỉ nằm “trên giấy” chứ chưa đào được móng. Hàng nghìn m2 với tổng số vốn đầu tư lên đến chục nghìn tỷ đồng cứ thế như “nước đổ lá khoai”. Việc chậm trễ trong quá trình thi công như vậy đang làm thất thoát đi rất nhiều tiền của.

Đơn cử như dự án Tháp Tài chính Quốc tế - IFT tại số 220 Trần Duy Hưng do công ty CP đầu tư SCIC – Bảo Việt làm chủ đầu tư. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 3.800 tỷ đồng với 1 tòa tháp cao 34 tầng, 3 tầng hầm. Tổng diện tích xây dựng là 13.159m2. Ngày 28/5/2013, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội có văn bản chấp thuận quy hoạch tổng thể mặt bằng và phương án kiến trúc sơ bộ công trình này. Tuy nhiên, cho tới nay, khu đất vàng hơn 13.000m2 vẫn đang là một bãi đất hoang cỏ mọc um tùm.

Theo nhận định của ông Ngọ Duy Hiểu, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội, để một mảnh "đất vàng" bỏ hoang là một sự lãng phí không chỉ với nhà đầu tư mà còn với xã hội. Nhưng nếu thu hồi và tiến hành bàn giao cho chủ đầu tư khác triển khai, mảnh "đất vàng" sẽ tạo ra giá trị, tăng thêm công ăn việc làm, các dự án sẽ có đầu tư phát triển mới.

Sợi dây “treo” dự án

Luật sư Thái Văn Chung, Giám đốc Hãng luật Nguyên Giáp, cho rằng, mức đền bù, hỗ trợ cho người bị thu hồi đất hiện nay đã cải thiện nhưng giá vẫn còn quá thấp so với giá thị trường là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “treo” dự án.

Thực tế, số tiền người dân nhận được từ việc bồi thường đất bị thu hồi không đủ để tạo lập nơi ở mới. Việc chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị thu hồi đất rất hạn chế dẫn đến việc mất đất canh tác và thất nghiệp. Chính vì vậy, quá trình thu hồi đất đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, từ đó phát sinh tranh chấp, khiếu kiện, khiếu nại kéo dài, làm đình trệ tiến độ triển khai dự án.

Bên cạnh phương án bồi thường chưa thỏa đáng, sở dĩ phát sinh nhiều dự án treo là do khâu thẩm tra năng lực chủ đầu tư còn hạn chế, chạy đua theo phong trào trải thảm đỏ thu hút đầu tư. Cũng theo Luật sư Chung, không ít doanh nghiệp trong và ngoài nước tuy năng lực tài chính yếu kém nhưng vẫn cố tìm mọi cách ôm về dự án có vốn đầu tư lớn. Mục đích của những doanh nghiệp này là gom đất đầu cơ, mua đi bán lại để kiếm lời, không triển khai dự án theo cam kết.

Muốn “hạ treo” phải có “dây” chắc

Để “hạ” được “dây treo” phải hạ từ đầu nút quan trọng. Một trong những nguyên nhân chính làm cho dự án bị “treo” nằm ở khâu đền bù. Vậy phải “hạ” từ đây trước tiên. Khi mà nhưng giá đền bù vẫn còn quá thấp so với giá thị trường thì đương nhiên không thể nào thống nhất giữa chủ đầu tư và người dân. Đối với quy định bồi thường nhà hiện đang áp dụng theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng, từ 2,1 - 2,6 triệu đồng/m2 trong khi giá thành xây dựng nhà cấp 4 hiện nay đã 4-5 triệu đồng/m2. Vì vậy, cần ban hành cơ chế thẩm định giá nhà để làm căn cứ bồi thường nhằm tránh thiệt thòi cho người dân.

Bên cạnh đó, việc siết chặt đối với chủ đầu tư là điều cần phải làm. Chỉ khi nào có đầy đủ thủ tục pháp lý cũng như phương án, kế hoạch đầu tư xây dựng mới được cấp phép thi công. Hơn nữa, cần phải tăng cường các biện pháp và thực hiện nghiêm việc thu hồi các dự án kém hiệu quả, chậm tiến độ nhiều năm liền, kết hợp xử lý về mặt kinh tế.

Mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, TP sẽ công khai các chủ đầu tư, các dự án được giao mà chậm triển khai, trong đó có nhiều dự án trên "đất vàng". 

Tuy nhiên, để công khai sao cho minh bạch cũng lại là vấn đề nan giải. Thiết nghĩ, công khai nên đi đôi với công dân. Tức là, đẩy mạnh việc công khai kết quả xử lý các dự án “treo” để người dân được biết và cùng tham gia giám sát quá trình thực hiện của chủ đầu tư, “khôi phục” lại đầy đủ các quyền lợi của người dân như: được cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận... Tránh tình trạng công khai hình thức, qua loa. 

“Hạ treo” không phải câu chuyện của riêng ai. Bởi vậy, cần có sự chung tay của cơ quan chức năng từ nhiều phía khác nhau. Cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng theo phân cấp có trách nhiệm cung cấp thông tin về quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị đã được phê duyệt, cấp giấy phép quy hoạch theo quy định khi chủ đầu tư có yêu cầu. Các cơ quan cấp phép xây dựng phải niêm yết công khai các điều kiện, thủ tục hành chính, quy trình liên quan. Các đơn vị tư vấn giám sát thi công xây dựng cũng phải giám sát thực hiện theo đúng thiết kế và nội dung giấy phép xây dựng đã được cấp.

Hi vọng với tín hiệu mới này sẽ góp phần thúc đẩy để hạ được sợi dây “treo” dự án một cách nhanh chóng nhất.


Enternews