Làm sao để đất công không biến thành "đất ông"?

Thứ sáu, 20/07/2018, 08:33 GMT+7
Làm sao để đất công không biến thành "đất ông"?

Làm sao để đất công không biến thành "đất ông"?

Theo nhiều ý kiến, việc thiếu minh bạch trong việc chỉ định thầu đã tạo nên một mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng phát sinh. Nhiều chuyên gia đã đưa ra giải pháp quản lý đất công để tránh làm thất thoát tài sản Nhà nước.

Thanh tra các dự án BT

Để tránh tình trạng thất thoát tài sản Nhà nước, làm giàu cho một nhóm người, ông Phạm Văn Chi, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho hay, trước hết, cần thanh tra, kiểm tra các dự án BT có sử dụng quỹ đất hoàn vốn, các dự án giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá.

Cũng theo ông, cần xử lý nghiêm những người lợi dụng chức trách để làm trái quy định, cố ý trục lợi. Nhà nước cũng cần đưa ra quy định cụ thể để buộc các địa phương tổ chức đấu giá công khai, minh bạch các dự án BT, các khu đất để hoàn vốn, các khu đất giao hoặc cho doanh nghiệp thuê để làm dự án kinh doanh. Đặc biệt, khi phê duyệt giá đất, cần dựa trên giá trị thực, giá thị trường chứ không phải bảng giá đất của tỉnh. Những khâu này không thể giao cho một vài cá nhân thực hiện mà cần phải giám sát chặt chẽ.

Cần trả lại tài nguyên quốc gia

Về hiện tượng có một số người thâu tóm đất công, đặc biệt là các khu đất vàng để làm tài sản riêng tại một số địa phương, trong đó có tỉnh Phú Yên, ông Nguyễn Văn Chín, cựu Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên cho rằng, tình trạng này có sự tiếp tay của chính quyền như giao đất, cho thuê đất, cho chuyển nhượng đất trái quy định. Việc giá trị đất được chuyển hóa vào túi một số người là biểu hiện của lợi ích nhóm.

Theo ông Chín, trên thực tế, có không ít cá nhân, doanh nghiệp lập dự án để được cấp đất rồi tìm cách chuyển nhượng lại để trục lợi. Những cá nhân, doanh nghiệp này có mối quan hệ với chính quyền nên dễ đạt được. Họ bất chấp quy định để làm sai vì quyền lợi cá nhân. Rõ nhất là hiện tượng một số người thuộc các cơ quan chức năng không bảo vệ quyền lợi của người dân mà còn tạo điều kiện cho những người có ý đồ bòn rút tài nguyên quốc gia để bỏ túi riêng. Và khi dư luận bất bình, không hiểu sao các cơ quan chức năng vẫn lẩn tránh.

Về tình trạng này, ông Chính cho rằng, nếu cứ kéo dài sẽ khiến tài nguyên đất đai bị thất thoát lớn, đặc biệt là tính tư hữu về đất đai sẽ xuất hiện ngày càng nhiều. Điều này sẽ khiến khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng. Nhà nước cần kiên quyết thu hồi diện tích đất giao, cho thuê trái quy định bởi đây là tài nguyên quốc gia, không thể xử lý cho có rồi tiếp tục làm dự án, cấp này không làm được thì cấp khác phải làm.

Cần cơ chế giám sát việc giao đất

Mới đây, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã có buổi tiếp xúc với các nhà báo để nghe phản ánh về các dự án BT. Nhưng Thường trực HĐND tỉnh cho biết không có tài liệu để trả lời báo chí.

Theo luật sư Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa, sự thiếu công khai, minh bạch khi thực hiện các dự án BT có liên quan đến đất đai. Phải chăng chưa có chế tài, cơ chế giám sát việc định giá đất, giao đất để làm các dự án trọng điểm tại các địa phương. Điều này khiến đất rơi vào tay các công ty tư nhân theo nhiều hình thức khác nhau.

Luật sư Hà cũng cho hay, nhiều địa phương lợi dụng "trường hợp đặc biệt" thu hồi đất, chỉ định thầu khiến phát sinh tham nhũng, gây lãng phí tài nguyên, phục vụ lợi ích nhóm. Theo vị luật sư, các cơ quan có thẩm quyền cần thanh tra, giám sát để kết luận có tham nhũng không, có làm trái quy định khi giao đất, chỉ định thầu... hay không, từ đó có biện pháp xử lý nghiêm.

Cơ quan chức năng cần giám sát

Trong khi đó, liên quan đến việc thực hiện các dự án BT, luật sư Lê Trung Phát, Giám đốc Công ty luật TNHH Luật Sư Riêng - Đoàn Luật sư Tp.HCM cho rằng, các cơ quan chức năng cần dựa trên một số yếu tố để kiểm tra hồ sơ, như: Giá khởi điểm tại thời điểm đấu giá có khách quan không; bước giá đã công bố có hợp lý không; có bao nhiêu người đấu giá...

Cũng theo luật sư Phát, rất khó kiểm soát hiện tượng "quân xanh, quân đỏ" trong việc này với cơ chế như hiện nay. Tuy nhiên, những phiên đấu giá mà các công ty có liên quan với nhau là bất thường.


Pháp luật Tp.HCM Online